Sinh viên chế tạo hệ thống bơm nước tự động, tiết kiệm 50% điện năng
Sinh viên chế tạo hệ thống bơm IOT dùng trên điện thoại
Nhóm gồm ba bạn sinh viên Lê Quang Định, Lê Văn Thanh, Lê Vũ Minh Phong, thuộc khoa điện - điện tử, Trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng (quận 1, TP.HCM).
Chỉ sau 1 tháng nghiên cứu, nhóm đã chế tạo thành công hệ thống bơm nước IOT, được điều khiển thông qua ứng dụng E-Ra trên điện thoại di dộng.
Hệ thống gồm có máy bơm 3 pha, cảm biến dòng chảy, 2 van điện từ, tủ điện, đồng hồ đo điện năng… với tổng khối lượng khoảng 20kg.
Sinh viên Lê Quang Định cho biết nhóm lấy ý tưởng từ thực tế cuộc sống của nông dân.
"Chúng tôi khảo sát thấy nông dân chưa áp dụng khoa học công nghệ vào tưới tiêu, chủ yếu lao động bằng sức người là chính. Điều này làm việc chăm sóc cây trồng không đạt hiệu quả cao, tốn sức người, tiêu hao nhiều năng lượng điện và nước.
Hệ thống có 2 chế độ, vận hành thông qua Internet và vận hành theo lịch trình. Thông qua app điện thoại, nông dân có thể dễ dàng sử dụng, điều khiển động cơ phù hợp nhu cầu, tùy chỉnh tốc độ, xem năng suất điện năng tiêu thụ, chỉnh lớn nhỏ lượng nước tưới…" - bạn Định chia sẻ.
Bạn Lê Vũ Minh Phong bộc bạch: "Chúng tôi vận dụng môn lý thuyết mạch, điện tử công suất, lý thuyết điều khiển tự động, vi điều khiển, mạng công nghệ để đưa vào nghiên cứu. Chúng tôi muốn tạo ra hệ thống có độ bền cao, dễ dàng tiếp cận đến bà con nông dân".
Các chàng trai sinh viên kỹ thuật mong muốn hệ thống này có thể hỗ trợ cho người dân trong việc tưới tiêu, tiết kiệm điện và nước - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Tiết kiệm 50% điện năng
Để hệ thống hoạt động hiệu quả, nhóm đã sử dụng máy tính nhúng. Đây là bộ vi xử lý có cấu tạo nhỏ gọn, khả năng xử lý dữ liệu mạnh và có kết nối mạng.
Dựa vào công dụng máy tính nhúng mang lại giúp hệ thống hoạt động ổn định, kết nối thiết bị thông qua Internet, người dùng dễ dàng truy cập và điều khiển thông qua app điện thoại hoặc web trên máy tính.
Bạn Quang Định nói thêm: "Hệ thống này giúp tiết kiệm 30% - 50% điện năng tiêu thụ, tiết kiệm tài nguyên nước so với phương pháp tưới thủ công. Chúng tôi cũng tích hợp những lỗi như tuột nước, bật máy bơm nhưng van không mở vào hệ thống để nông dân an tâm sử dụng".
Theo ThS Cù Minh Phước - phó trưởng bộ môn tự động hóa, Trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng, hệ thống hoàn toàn có thể thương mại hóa ngay.
"Hệ thống thiết thực cho bà con, giao diện dễ dùng, có cảnh báo trường hợp khẩn cấp giúp giảm rủi ro. Đồng hồ đo điện năng giúp nông dân xác định lượng điện, dự trù kinh phí cho việc tưới tiêu.
Giá thành dao động 8-12 triệu đồng, tùy vào nhu cầu người dùng. Nhóm cũng cần tối ưu hóa vi mạch điều khiển, thiết bị đóng cắt, cảm biến cho phù hợp khả năng chi trả của bà con nông dân" - ông Phước nói.
Vừa qua nhóm đã đoạt giải nhất cuộc thi sáng tạo IOT NTTU 2024, và nhận được sự hợp tác từ Vườn ươm Doanh nghiệp công nghệ cao (SHTP-IC) thuộc Khu Công nghệ cao TP.HCM.
Hệ thống gồm có máy bơm 3 pha, cảm biến dòng chảy, 2 van điện từ, tủ điện, đồng hồ đo điện năng… với tổng khối lượng khoảng 20kg - Ảnh: NVCC
Hệ thống được điều khiển thông qua app E-Ra, người dân có thể dễ dàng sử dụng thông qua điện thoại - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Theo Tuổi trẻ (NGỌC PHƯỢNG)
- Sinh viên kỹ thuật tranh tài đua xe dò đường - 25/05/2024
- GS.TS.NGND.AHLĐ Võ Tòng Xuân: Trái tim của một nhà khoa học - 22/05/2024
- Kịch tính màn đua xe năng lượng mặt trời của sinh viên TP.HCM - 26/04/2024
- 'Nghẹt thở' cuộc đua xe điện mặt trời và bất ngờ phút cuối - 26/04/2024
- “Nghẹt thở” tại vòng chung kết đua xe năng lượng khi trời tắt nắng - 26/04/2024
- Dự án Hệ thống bơm nước IOT dành giải nhất cuộc thi Sáng tạo IOT - 02/04/2024
- Doanh nghiệp đặt hàng nguồn nhân lực, trường nghề không dám nhận thêm - 28/03/2024
- Sinh viên Nhật đến Việt Nam học nghề, đón Trung thu - 30/09/2023
Các Tin Khác: